Bệnh tiết niệu và những huyệt đạo giúp cải thiện hệ thống bài tiết
Sức Khỏe Y Học Cổ Truyền

Bệnh tiết niệu và những huyệt đạo giúp cải thiện hệ thống bài tiết

Khi nhắc đến đường tiết niệu chắc chắn sẽ liên quan đến những bộ phận bài tiết của cơ thể như thận, bàng quang, niệu đạo, niệu quản,.. Nếu bạn có những vấn đề về việc mất kiểm soát khi tiểu tiện thì chắc chắn bạn đã bị bệnh tiết niệu rồi đấy! Căn bệnh viêm nhiễm này đều xuất hiện phổ biến ở cả nam và nữ nhưng bạn không nên xem nhẹ bệnh, vì nó sẽ trở nên nguy hiểm hơn nếu không kịp thời điều trị. Theo y học cổ truyền, có những huyệt đạo giúp điều trị bệnh tiết niệu một cách hiệu quả, giúp cho hệ thống bài tiết của bạn được hoạt động tốt hơn.

Bệnh tiết niệu là gì?

Bệnh tiết niệu là gì?

Bệnh tiết niệu là biểu hiện viêm đường tiết niệu do vi khuẩn E.coli gây lên. Bệnh không gây những tác động nghiêm trọng cũng như nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Nhưng lại gây ra không ít rắc rối cho người bệnh. Bệnh nhân đi tiểu nhiều lần, luôn mắc đi tiểu nhưng mỗi lần đi lại không ra hoặc ra rất ít, gây ra hiện tượng tiểu rắt. Điều này gây nhiều phiền toái và ảnh hưởng đến tinh thần, sức khỏe người bệnh. Nước tiểu có màu sậm hơn bình thường, đi tiểu khó khăn, bụng tức tối. Đau vùng bụng dưới, nóng rát vùng bụng dưới. Đặc biệt có cảm giác đau buốt như kim châm khi đi tiểu tiện.

Một số huyệt điều trị bệnh tiết niệu

Tam âm giao, quan nguyên, đại lăng là huyệt vị có công năng dưỡng âm, điều hòa thần kinh, điều hòa chức năng của bàng quang… Đều được ứng dụng trong điều trị các bệnh tiết niệu, sinh dục của y học cổ truyền.

Bấm huyệt tam âm giao

– Đây là huyệt vị giao hội với 3 đường kinh âm là Quyết âm can, Thái âm tỳ và Thiếu âm thận. Vì thế mới có tên là “tam âm giao”. Có công năng dưỡng âm được dùng để chữa các bệnh về đường sinh dục, tiết niệu. Huyệt tam âm giao có tác dụng bổ tỳ thổ, thông khí trệ, sơ tiết vùng hạ tiêu, kiện tỳ hoá thấp, sơ can ích thận.

Bấm huyệt tam âm giao

– Vị trí: trên mắt cá trong 3 tấc, nằm ở chỗ lõm dưới xương sát bờ trong xương chày. Từ đỉnh mắt cá trong đo lên 3 thốn, ngang 1 khoát bàn tay.

– Cách bấm huyệt: Ngồi dưới đất hai tay gấp lại vừa tầm để 2 bàn tay có thể nắm lấy cổ chân một cách thoải mái. Mỗi bàn tay tác động vào huyệt Tam âm giao cùng bên. Dùng 4 ngón tay còn lại bao lấy phía ngoài cổ chân sao cho đầu ngón cái chạm đúng vào vị trí huyệt. Dùng lực vừa phải day thành vòng tròn trên huyệt liên tục từ 3-5 phút. Khi thấy mỏi tay có thể ngừng day, nhưng tay vẫn tiếp tục đặt trên huyệt, nghỉ 1 lúc sau đó day tiếp. Mỗi ngày có thể thực hành 1-2 lần ( mỗi lần 5-10 phút)

Bấm huyệt quan nguyên

– Huyệt quan nguyên là một huyệt của tiểu trường, hội của 3 kinh âm ở chân với nhâm mạch. Day bấm huyệt này có tác dụng bổ thận cố bản, bổ khí hồi dương, làm ấm hạ tiêu, giúp cho quá trình khí hóa bàng quang được thuận lợi, cải thiện tình trạng rối loạn tiểu tiện.

– Vị trí : Ở dưới rốn 3 tấc trên đường trục giữa cơ thể. Từ rốn đến bờ trên xương mu được tính là 5 tấc.

– Cách bấm huyệt: Dùng ngón tay cái hoặc ngón tay trỏ day bấm huyệt quan nguyên trong 3 phút. Chú ý bấm thẳng góc đầu ngón tay cái để đạt hiệu quả điều trị. Ngày nên bấm 1-2 lần.

Bấm huyệt đại lăng

Bấm huyệt đại lăng

– Đại lăng là nguyên huyệt, du huyệt, huyệt thứ 7 của kinh tâm bào, thuộc hành thổ, huyệt tả. Có tác dụng thanh tâm, định thần, lương huyết nhiệt.

– Vị trí: là chỗ lõm giữa 2 đường gân phía sau bàn tay. Nằm chính giữa lằn chỉ cổ tay và nằm giữa 2 gân cơ ở cổ tay.

– Cách bấm huyệt: Bấm huyệt cả 2 bên. Dùng ngón tay cái hoặc ngón tay trỏ day bấm huyệt đại lăng trong 3 – 5 phút. Chú ý bấm thẳng góc đầu ngón tay cái để đạt kết quả điều trị nhất định.

Nguồn: suckhoedoisong.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *